Dòng tiền trong doanh nghiệp
Dòng tiền là thuật ngữ sử dụng để chỉ quá trình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Lưu chuyển tiền tệ là quá trình tiền và tương đương của doanh nghiệp được tạo ra và được sử dụng.
Dòng tiền và tương đương tiền do doanh nghiệp tạo ra trong quá trình hoạt động được gọi là dòng tiền vào, còn dòng tiền và tương đương tiền được sử dụng cho các hoạt động của doanh nghiệp được gọi là dòng tiền ra.
Tiền tệ tham gia lưu chuyển bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền. Tiền là tài sản của doanh nghiệp, tồn tại trực tiếp dưới hình thái giá trị. Thuộc về tiền của doanh nghiệp gồm có tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng và tiền đang chuyển trong đó, bao gồm cả nội tệ, ngoại tệ và vàng tiền tệ.
Các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn có thời gian thu hồi không quá 3 tháng tính từ ngày đầu tư, có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong chuyển đổi thành tiền.
Huy động vốn trong doanh nghiệp
Tài chính là huyết mạch của mỗi công việc kinh doanh, dù mới khởi nghiệp hay đã làm ăn lâu dài. Và vốn kinh doanh luôn là một trong những vấn đề nan giải nhất mà những nhà khởi nghiệp phải đắn đo nhiều. Trong thị trường cạnh tranh cực kỳ khốc liệt như hiện nay, việc tìm nguồn vốn ở đâu, sử dụng như thế nào cho hợp lý luôn là nỗi lo muôn thuở.
Mặc dù tất cả chúng ta nên bước vào kinh doanh với niềm khao khát được làm những việc mình thích và tạo ra sự khác biệt cho những người mà mình phục vụ nhưng nói cho cùng, tiền bạc vẫn là thứ không thể bỏ qua. Đây là vấn đề mà mỗi nhà kinh doanh tiềm năng luôn cần phải quản lý và quan tâm thích đáng để đạt được thành công. Việc chỉ có một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo là chưa đủ nếu bạn không có nguồn vốn đảm bảo để biến những ý tưởng hay ho trong bản kế hoạch đó thành hiện thực.
Vai trò của các khoản vốn huy động đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là vô cùng quan trọng. Việc huy động và sử dụng một cách hiệu quả sẽ có tác dụng tạo đòn bẩy để thúc đẩy sự tăng trưởng về quy mô và phát triển ổn định của DN. Tỷ lệ vốn huy động trong cơ cấu vốn của DN cũng là một nội dung mà bất kỳ DN nào cũng cần phải quan tâm và thực hành một cách nhuần nhuyễn, để đảm bảo sự cân đối giữa vốn nợ và vốn chủ có thể vừa thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của DN, nhưng cũng đủ khả năng để chống lại tình trạng mất thanh khoản, mất cân đối tài chính và khủng hoảng kinh tế.
Vốn huy động có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, với thời hạn và chi phí sử dụng khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi DN, và gồm hai loại chính như sau:
Nợ ngắn hạn: Là khoản tiền mà DN có trách nhiệm trả trong vòng một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh bình thường. Nợ ngắn hạn gồm các khoản: Vay ngắn hạn; Khoản nợ dài hạn đến hạn trả; Các khoản tiền phải trả cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu; Thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước; Tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng phải trả cho người lao động; Các khoản chi phí phải trả; Các khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn; Các khoản phải trả ngắn hạn khác.
Nợ dài hạn: Là các khoản nợ mà thời gian trả nợ trên một năm, bao gồm: Vay dài hạn cho đầu tư phát triển; Nợ dài hạn phải trả; Trái phiếu phát hành; Các khoản nhận ký quỹ, ký cược dài hạn; Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.